Một trong những quyết định đầu tư đã tạo ra lịch sử ở Silicon Valley, là năm 1998, Jeff Bezos, khi ấy 34 tuổi, đã đưa hai anh sinh viên đại học Stanford 250 nghìn USD để họ hoàn thiện một công cụ tìm kiếm trực tuyến vừa được phát triển. Khi ấy khoản đầu tư này là một canh bạc đầy rủi ro. Để tìm kiếm thông tin trên mạng internet trước khi thiên niên kỷ mới đến, mọi người thường quen sử dụng những cổng thông tin, Yahoo chẳng hạn, hoặc ghi nhớ tên trang web họ thường dùng. Khi ấy không ai nghĩ rằng công cụ tìm kiếm trên internet sẽ kiếm ra tiền.

Đương nhiên chuyện còn lại đã trở thành lịch sử. Khi Google lên sàn chứng khoán chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng năm 2004, khoản đầu tư của Bezos trở thành khối tài sản trị giá 280 triệu USD. Nếu giờ ông vẫn chưa bán, thì nó có giá hàng tỷ USD.

Đó chính là lý do vì sao, hồi tháng 1 vừa rồi, khi nhà sáng lập đế chế thương mại điện tử Amazon tuyên bố đầu tư vào một công ty có khả năng đạp đổ ngai vàng internet cũng như quảng cáo trực tuyến của Google, mọi người đều chú ý.


Bezos là một trong số những nhà đầu tư rót 74 triệu USD vào Perplexity, một startup đến từ San Francisco, một trong số những đơn vị đang tham gia cuộc chạy đua trí thông minh nhân tạo, sử dụng mô hình AI để trả lời những câu hỏi của người dùng, thay vì dẫn ra một danh sách những đường link để người dùng internet tiếp tục đi tìm câu trả lời.
 

Mục tiêu của Perplexity có lẽ giống mọi chatbot đang hiện diện trên thị trường công nghệ hiện giờ, từ Bing Chat đến Copilot, từ ChatGPT đến cả Gemini của chính Google. Trả lời cho câu hỏi của người dùng sẽ là những đoạn văn được tổng hợp từ mô hình ngôn ngữ, thay vì những danh sách dài những đường link mà thuật toán của Google tổng hợp được.

CEO Arvind Srinivas của Perplexity chưa được gặp Jeff Bezos, nhưng ông này thực sự tâm đắc với câu nói của Bezos: “Tỷ suất lợi nhuận của bạn là cơ hội của tôi.” Srinivas đang đánh cược rằng, giống hệt như cách Google đánh bật Yahoo vào những năm của thập niên 2000 khỏi vị trí thống trị nền tảng web, vì Yahoo ngủ quên trên chiến thắng, thì Perflexity sẽ làm điều tương tự vơi Google: “Họ được coi là nơi mặc định để tìm kiếm thông tin và kiến thức trên mạng internet. Điều đó sẽ thay đổi.”

Hiện giờ có khoảng 1 triệu người dùng dịch vụ của Perplexity hàng ngày, trong đó có cả CEO Jensen Huang của Nvidia, lẫn CEO Tobi Lütke của Shopify. Con số này hiện giờ còn chưa bằng số lẻ của lượng người dùng Google hàng ngày, ước tính theo đơn vị hàng tỷ. Mà cả lợi nhuận lẫn giá cổ phiếu của Google cũng đã chạm ngưỡng kỷ lục hồi đầu năm nay.

Nhưng sự phổ biến của những “công cụ trả lời” thay cho “công cụ tìm kiếm”, những chatbot AI có khả năng trả lời những câu hỏi bằng những câu trả lời ngắn gọn rõ ràng đủ thông tin, đã khiến Google hoảng và cảm thấy bất an. Tuần trước, nhà đồng sáng lập Google, Sergey Brin cho biết ông này đã phải “dừng nghỉ hưu” để giải quyết vấn đề liên quan tới sự trỗi dậy của những hệ thống AI như ChatGPT, được OpenAI phát triển và vận hành.

Ý tưởng sử dụng chatbot AI để tìm kiếm thông tin rất dễ hiểu, khi mọi người tìm kiếm trên mạng internet, họ đi tìm câu trả lời ở những trang web, chứ không phải đi tìm chính bản thân những trang web ấy. Vì sao không bỏ qua bước nhìn, chọn và click vào vô vàn những đường link để tìm ra thông tin anh em cần, thay vào đó chỉ cần để mô hình ngôn ngữ tạo ra một câu trả lời đơn giản ngắn gọn nhưng súc tích?

Nếu như vẫn có người muốn tìm ra những trang web mang tính cập nhật, dồi dào thông tin thay vì những câu trả lời ngắn và đủ nội dung từ chatbot AI, thì chính bản thân Google cũng đang gặp vấn đề. Gần đây những nhà nghiên cứu đã phát hiện ra kết quả tìm kiếm từ Google đang trở nên tệ hơn. Một nghiên cứu khác của các nhà khoa học Đức thì chỉ ra, cả Google, Bing lẫn DuckDuckGo đều gặp thực trạng kết quả tìm kiếm không hữu ích vì “bị ô nhiễm bởi những nội dung chất lượng thấp nhưng được tối ưu SEO để hiển thị ở vị trí lý tưởng trong kết quả tìm kiếm.”

Câu chuyện này nhiều người cũng đã bàn đến rồi. Nhiều trang web nằm ở đầu những kết quả tìm kiếm trực tuyến truyền thống chỉ được thiết kế để phục vụ một mục đích duy nhất. Mục đích ấy không phải là cung cấp thông tin chính xác, thời sự và hữu ích, mà là để kiếm khoản tiền affiliate từ việc gửi người dùng đến những trang thương mại điện tử và hy vọng họ sẽ mua hàng trên đó.
 
Vấn đề SEO và việc chính bản thân con người lợi dụng SEO để kiếm tiền, từ đó khiến kết quả tìm kiếm tệ hơn sẽ chỉ trở nên nghiêm trọng hơn, khi AI đã chứng minh được khả năng đưa ra thông tin gần như ngay lập tức, khỏi click vào đường link nào hết.

Google đương nhiên phải có câu trả lời cho thực trạng đó. Tuần trước họ đã phải công bố cập nhật thuật toán tìm kiếm, giải quyết tình trạng spam thông tin rác và hiển thị những trang web chất lượng thấp trên vị trí đẹp ở kết quả tìm kiếm, giảm chừng 40% những kết quả ấy khi anh em tìm kiếm trên Google.

Cùng lúc, họ cũng không lờ đi cơn sốt AI đã bắt đầu từ khoảng cuối năm 2022. Họ phát triển chatbot Gemini, nhưng màn ra mắt của Gemini nếu nói nhẹ thì là chưa được như mong muốn, còn nói nặng thì là thảm họa. Những tuần gần đây, họ đã phải tắt tính năng tạo hình từ thuật toán AI của Gemini, vì những kết quả hình ảnh trả về hoàn toàn không chính xác về mặt lịch sử.

Vấn đề lớn hơn không phải là Gemini vận hành đáng tin cậy hay không, mà là đối với Google, mọi người chọn chatbot AI thay vì công cụ tìm kiếm của họ sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với con gà đẻ trứng vàng, cỗ máy in tiền của tập đoàn Alphabet. Dù nghiên cứu phát triển sản phẩm nhiều ngành công nghệ, nhưng giống như iPhone với Apple, tìm kiếm trực tuyến, cũng như quảng cáo trên trang tìm kiếm vẫn chiếm tỷ trọng đa số trong doanh thu 307 tỷ USD của Google năm ngoái.

Đương nhiên chatbot AI không phải giải pháp hoàn hảo để giải quyết nhu cầu tìm kiếm thông tin và kiến thức của con người. Vận hành chatbot tốn kém cả về chi phí phần cứng lẫn chi phí vận hành. Khả năng kiếm tiền của chatbot AI đến từ chính thực tế này. Lấy ví dụ Perplexity, dịch vụ của họ không có quảng cáo, nhưng để giảm thời gian chờ, được ưu tiên xử lý trên máy chủ đám mây, người dùng sẽ phải bỏ ra 20 USD mỗi tháng.

Nhiều nhà phân tích cho rằng rào cản này hoàn toàn có thể bị vượt qua. Tháng trước, đơn vị nghiên cứu thị trường Gartner đã đưa ra dự báo rằng đến năm 2026, lượt tìm kiếm trực tuyến trên những công cụ truyền thống sẽ giảm 25%. Và Srinivas, Perplexity hay bất kỳ đơn vị nào đang nghiên cứu vận hành chatbot AI đều đang muốn nắm lấy cơ hội là đơn vị đi đầu ngành. Tuần trước có thông tin nói rằng startup này đã có một lượt gọi vốn nữa, đưa giá trị vốn hóa lên mức 1 tỷ USD, tức là khoản đầu tư của Jeff Bezos đã tăng gần gấp đôi chỉ trong hai tháng.

CEO Srinivas cho biết: “Giờ là một khoảng thời gian tuyệt vời. Ngành có lãi lớn nhất, quyền lực mạnh nhất lịch sử tư bản đang có dấu hiệu thay đổi, vì chúng ta đều muốn tiết kiệm thời gian và không muốn bị bất kỳ ai lợi dụng kiếm tiền.”