Công cụ kiểm tra và phát hiện tin tức giả mạo, sai lệch dựa trên công cụ tìm kiếm của Google hiện giờ đang vận hành tại đây: https://toolbox.google.com/factcheck/explorer. Trước đây, nếu sử dụng công cụ fact check của Google, người dùng sẽ chỉ có khả năng gõ những đoạn từ khoá để kiểm tra xem nhận định đó có chính xác hay có bằng chứng đi kèm để chứng minh hay không. Còn bây giờ, tại sự kiện Global Fact 10, các kỹ sư Google đã cập nhật một tính năng vô cùng hữu ích cho công cụ này.
Fact Check Tools
Hiện tính năng đang được thử nghiệm, trong tương lai, công cụ fact check sẽ có thể kéo thả hình ảnh vào ô tìm kiếm để kiểm tra xem hình ảnh ấy là sự thật, hay đã bị chế cháo sai lệch bối cảnh, hoặc do AI tạo ra.
Lấy ví dụ trong mục “recent”, tổng hợp những lần người dùng kiểm tra mức độ chính xác của thông tin thông qua công cụ Fact Check của Google, công cụ này có thể nhận diện một đoạn clip được cho là những người đang bạo loạn bên Pháp thả rông những con ngựa vằn và sư tử khỏi vườn thú. Kết quả, đoạn clip và những hình ảnh hoàn toàn không xảy ra trong những ngày qua khi ở bên Pháp, mọi người xuống đường biểu tình.
Google kết hợp khả năng nhận diện nội dung, từ khoá và hình ảnh với khả năng lọc nội dung từ các trang web chuyên thực hiện việc kiểm tra mức độ chính xác của thông tin, như The Quint, Snopes và Factly. Như đã nói, hiện tại, tính năng kiểm tra hình ảnh là chính xác hay sai lệch, bị chế lại của Google Fact Check đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Cùng với đó, cũng tại Global Fact 10, Google tuyên bố sẽ đầu tư và ủng hộ cho 35 đơn vị làm công việc xác thực thông tin tại 45 quốc gia, thông qua quỹ Global Fact Check Fund, để đảm bảo internet không còn là nơi tin tức giả mạo lộng hành.
Theo WCCFTech