Kể từ tháng 9 năm ngoái, phía chính phủ Mỹ đã có những động thái thắt chặt cấm vận ngành công nghệ Trung Quốc, bằng cách yêu cầu Nvidia và AMD không bán những GPU chuyên ngành phục vụ nhu cầu nghiên cứu và xử lý thuật toán machine learning cho Trung Quốc. Một phần khác của cấm vận là yêu cầu tương tự đối với Nvidia và AMD, không được bán chip AI cao cấp cho Nga. Những động thái như thế này, theo phía Mỹ, là để ngăn chặn những công nghệ cao cấp nhất mà các tập đoàn của Mỹ rơi vào tay quân đội Nga và Trung Quốc, trang bị trong những siêu máy tính của hai quốc gia này, vận hành phục vụ mục đích quân sự.
Lệnh cấm vận này đồng nghĩa với việc, các đơn vị Trung Quốc không thể mua những GPU mạnh nhất hiện giờ của Nvidia như A100 và H100. Tương tự như vậy là những giải pháp của AMD như MI250. Lựa chọn duy nhất của phía Trung Quốc giờ là những giải pháp yếu hơn về hiệu năng, ví dụ như Nvidia A800 hay AMD MI100. Lấy ví dụ, A800 có băng thông bộ nhớ kết nối giữa các GPU với nhau, thông qua cầu nối NVLink 400GB/s, còn A100 là 600 GB/s.
Nguồn tin mới nhất của Reuters cho biết, cơn sốt AI tạo nội dung, khởi đầu với việc OpenAI cho ra mắt ChatGPT hồi cuối năm ngoái đã khiến nhu cầu GPU nghiên cứu AI của Nvidia bùng nổ ở Trung Quốc. Nhưng khi bị Mỹ cấm vận, đương nhiên chợ đen không được quản lý sẽ hình thành. Từ các startup đến các trường đại học và đơn vị nghiên cứu đều sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu những con chip mạnh nhất, miễn là có đơn vị sẵn sàng làm việc để giúp các đơn vị Trung Quốc qua mặt lệnh cấm vận của Mỹ.
Phóng viên Reuters đã tới thăm khu vực Hoa Cường Bắc, Thâm Quyến, khu chợ điện tử nổi tiếng nhất Trung Quốc. Họ gặp được 2 cửa hàng khẳng định rằng họ có thể nhập số lượng hạn chế những chip A100, GPU nghiên cứu AI mạnh nhất của kiến trúc Nvidia Ampere với giá 20 nghìn USD một chiếc. Mua chính hãng, mỗi GPU nghiên cứu AI này chỉ có giá 10 nghìn USD.
Tương tự, nhà sáng lập một startup đặt trụ sở tại Hong Kong cho biết, đặt mua 2 đến 4 chiếc Nvidia A100, anh này nhận được báo giá 19.150 USD một chiếc. Bên cạnh cái giá gấp đôi giá bình thường nếu không bị cấm vận, những GPU nghiên cứu AI này đều không có bảo hành.
Cùng với đó, 10 cửa tiệm trả lời phóng viên Reuters, rằng họ có thể đặt hàng số lượng hạn chế card A100, và còn khoe trong số những khách hàng của họ, có cả đơn vị đại diện cho chính quyền Thâm Quyến nữa. Đương nhiên, không cửa hàng nào hé lộ nguồn gốc xuất xứ của những GPU mạnh nhất hành tinh hiện giờ.
Trước đây, đọc tin tức trên các nguồn phương Tây, hẳn anh em cũng đã vài lần xem được những vụ việc công dân Trung Quốc buôn lậu linh kiện máy tính vào lãnh thổ nước này.
Có một vụ hồi tháng 5 vừa qua, một kiện hàng được ghi là tôm hùm, vận chuyển chung chuyến hàng 280 kg tôm hùm đã bị nhà chức trách Trung Quốc phát hiện ra có 70 card Nvidia Quadro K2200 bên trong. Một lần khác, có người buôn lậu buộc 239 con chip CPU quanh bụng để bay về Trung Quốc. Trong khi đó, cuối năm ngoái, một người phụ nữ giả bụng bầu, giấu 200 chip CPU Intel bên trong. Giữa thời điểm Trung Quốc bị chặn nguồn cung ứng chip bán dẫn từ các công ty Mỹ, việc lợi nhuận từ chợ đen bùng nổ cũng khiến cho những kẻ buôn lậu trở nên sáng tạo hơn nhiều trong những cách giấu những món hàng trốn thuế về quê nhà.
Theo Techspot