Thông tin từ Adweek cho rằng, Google có thể đang âm thầm ký kết thỏa thuận với nhiều đơn vị xuất bản trực tuyến để các trang web dùng công cụ AI của Google để viết và đăng tin tức, với những thỏa thuận trị giá hàng chục nghìn USD. Đây là một phần của chương trình Google News Initiative, cấp tiền cho những dự án cải thiện chất lượng và độ chính xác của tin tức cũng như những công cụ kiểm tra tin giả. GNI ban đầu rất hữu ích, nhưng nếu thông tin Google trả tiền để các bên dùng AI tạo nội dung để làm tin tức, đây có thể là một hướng đi gây tranh cãi.

Theo Adweek, chương trình này hiện tại đang triển khai cho vài đơn vị xuất bản trực tuyến vừa và nhỏ: “Công cụ thử nghiệm cho phép những trang tin thiếu nhân sự tạo ra những nội dung hiệu quả hơn bằng cách liệt kê những thông tin mới được các bên khác đăng tải gần đây, như kênh thông tin chính thức của các cơ quan chính phủ hoặc những trang tin khác, rồi tổng hợp, tóm tắt và đăng tải chúng dưới dạng mẩu tin nhỏ.”

Chưa rõ khoản tiền mà các trang tin nhỏ được Google trả để dùng AI tạo nội dung của họ là bao nhiêu, nhưng Adweek cho biết mỗi năm số tiền có thể lên tới 5 chữ số tính theo USD. Đổi lại, các trang tin và các đơn vị xuất bản trực tuyến sẽ đồng ý đăng tải ít nhất 3 mẩu tin mỗi ngày, một bài tổng hợp mỗi tháng và một chiến dịch marketing mỗi tháng nhờ vào sự trợ giúp của công cụ AI. Quan trọng hơn, không nhất thiết phải ghi rõ tin tức được tổng hợp bởi AI. Theo Adweek, nội dung AI tạo ra được ứng dụng hệ thống màu sắc để đánh giá mức độ tin cậy của mỗi đoạn văn, cho phép con người xem lại trước khi ấn nút đăng bài.

Cũng chưa rõ một điều nữa, là lợi ích của Google khi trả tiền cho các bên dùng công cụ AI của họ. Nhưng có một điều rõ ràng là Google không phải đơn vị đầu tiên trả tiền cho các trang tin để sử dụng những công cụ hỗ trợ biên tập viên. Những thỏa thuận kể trên rất giống với những thỏa thuận mà Facebook từng ký với các kênh thông tin để họ làm nội dung phát trực tiếp trên MXH này hồi năm 2016, với giá trị lên tới hàng triệu USD để làm bàn đạp cho nền tảng phát video của Facebook. Hệ quả là giờ trang tin nào cũng có một đội ngũ làm video ngắn chuyên biệt.

Những thỏa thuận hàng triệu USD kể trên sau này gần như không có giá trị, vì Facebook bị phát hiện là đã khai khống số lượt xem của những đoạn video. Mạng xã hội này kết thúc thỏa thuận với các trang tin gần như ngay sau đó, và tùy chỉnh thuật toán khuyến nghị nội dung để nó hiển thị ít thông tin hơn trên news feed của mọi người. Vài nguồn tin ước tính rằng ngành truyền thông chuyển hướng sang làm video đã khiến hàng trăm nhà báo bị mất việc.

Chương trình GNI giờ trả tiền để các trang tin dùng công cụ AI tạo ra tin tức chắc chắn cũng sẽ dấy lên những lo ngại tương tự, và việc các đơn vị truyền thông trực tuyến sử dụng công cụ AI để làm tin bài cũng sẽ bị soi xét kỹ càng hơn.