Năm 2020, Yakuza: Like A Dragon ra mắt với bộ mặt khác biệt hoàn toàn so với những cuộc phiêu lưu của nhân vật chính vốn đã cực kỳ thân thuộc với các fan, Kiryu Kazuma. Việc cho ra mắt một nhân vật mới toanh làm nhân vật chính, Ichiban Kasuga, rồi thay đổi luôn cả cơ chế gameplay từ chiến đấu thời gian thực biến thành chiến đấu theo lượt, ban đầu khiến nhiều người hơi sợ vì thay đổi quá nhiều và quá lớn. Nhưng rồi những nhà làm game Nhật Bản đã thành công trong việc thay đổi.

Chỉ riêng việc chuyển cơ chế gameplay từ hành động spam nút thành nhập vai theo lượt, cho cả party cùng trải nghiệm game cũng là quá đủ để khiến người chơi tốn thêm nhiều thời gian để tâm tới mỗi trận đấu, chứ không phải chỉ đấm nhau cho xong để xem cắt cảnh, theo dõi từng diễn biến cốt truyện đầy hấp dẫn của mỗi bản Yakuza.



Còn đến năm 2024, cốt truyện của Infinite Wealth không chỉ điên rồ, khó tin và kịch tính hơn phần 7, mà còn hợp với thời cuộc vô cùng. Như mình đã từng đề cập trong những bài đánh giá vài tác phẩm gần đây của series Like A Dragon, mà mới nhất, trước khi Infinite Wealth ra mắt là The Man Who Erased His Name, cốt truyện giả tưởng trong thế giới game được các nhà phát triển Nhật Bản dựa trên những chuyện có thật.

Càng lúc, bên Nhật Bản lại càng có nhiều đạo luật được thông qua, nhằm giới hạn sức mạnh và khả năng kiếm ăn của những tên tội phạm có tổ chức. Yakuza càng lúc càng thưa thớt dần. Nếu như phần 6 hay phần 7, cùng Like A Dragon Gaiden trước đó mô tả cái cách hai tổ chức tội phạm lớn nhất vùng Kanto và Kansai giải tán, thì Infinite Wealth tập trung nhiều hơn vào cái cách những người từng làm yakuza hoàn lương, tìm ra công việc phù hợp để trở nên có ích cho xã hội.



Nhưng có một vấn đề nho nhỏ với Infinite Wealth. Nếu như khúc mở đầu của trò chơi rất cuốn hút, khi nhân vật chính Ichiban được trao cơ hội đến Hawaii tìm mẹ đẻ của anh, rồi dần dần phát hiện ra cả một âm mưu của những kẻ căm ghét yakuza đến tận xương tủy, thì càng về cuối cốt truyện dài 40 giờ đồng hồ, những nhân vật phản diện của trò chơi lại tạo cảm giác không ấn tượng như những đối thủ đã từng xuất hiện trong quá khứ.

Để công bằng thì rất khó để tạo ra một nhân vật phản diện ở tầm cỡ so sánh được với những cái tên như Ryuji Goda trong Yakuza 2, Daisaku Kuze trong Yakuza 0, hay Yoshitaka Mine trong Yakuza 3. Mà thực tế thì gần đây nhất mình thực sự cảm thấy ấn tượng với Takumi Someya trong Yakuza 6. Còn với Infinite Wealth, những cái tên như Masataka Ebina hay Eiji Mitamura, rồi cả Bryce Fairchild nhìn rất tầm thường, dù âm mưu và thủ đoạn thì vẫn đầy nham hiểm qua từng chương.

Tầm thường là ở chỗ, những nhân vật này thất bại trong việc khiến người chơi hiểu mục tiêu và tham vọng của họ, khác hẳn với những nhân vật phản diện được yêu mến trong cả series. Những nhân vật phản diện này đối chọi lại những nhân vật chính, nhưng người chơi không chỉ hiểu, mà còn nể cái lý do vì sao họ lại làm như vậy. Infinite Wealth không làm được điều đó.

Thay vào đó, hầu hết toàn bộ thời gian trải nghiệm game, anh em sẽ bị hút vào câu chuyện của Ichiban và Kiryu, cùng những người bạn đồng hành với hai nhân vật này.



Còn ở một khía cạnh khác của cốt truyện, mình nhận ra, những nhà làm game Nhật Bản mượn câu chuyện tội phạm có tổ chức ở Nhật đang lụi tàn, rồi mở đường qua tới tận đảo Hawaii là để khắc họa chính những câu chuyện mang tính thời sự: Vấn nạn tin giả, cùng sức mạnh mang tính bầy đàn của cư dân mạng và những hành động của họ, dù hành động đó đúng hay sai.

Suy cho cùng thì cốt truyện của Infinite Wealth cùng lúc phải phục vụ cả hai đối tượng. Một là những fan trung thành của series Yakuza ngay từ những ngày đầu phát hành trên PS2, rồi kế đến là những người chơi mới, bị thu hút bởi thông tin game mới, hoặc được bạn bè giới thiệu và rủ rê chơi chung. Cá nhân mình nghĩ rằng, Infinite Wealth đã làm đủ tốt mảng này. Với mình, cốt truyện không quá đơn giản dễ đoán, còn với những anh em mới làm quen với series, câu chuyện với nhiều nhân vật, nhiều bước ngoặt không quá khó tiếp cận và theo dõi diễn biến. Hai tuyến cốt truyện ở Hawaii và Nhật Bản được triển khai với đầy đủ sự kịch tính, cân bằng và hấp dẫn.



Nhưng cùng lúc, đây không phải là phiên bản với cốt truyện xuất sắc nhất cả series. Danh hiệu đó có lẽ phù hợp hơn với phần 2, 3 và 5, theo cảm nhận của cá nhân mình.

Trái ngược hoàn toàn với một nhân vật trầm tính như Kiryu Kazuma, nhân vật chính mà anh em điều khiển, Ichiban Kasuga là một ông chú 40 tuổi mê game, thích làm hiệp sĩ, và hình như đầu óc cũng hơi “hâm hâm.” Bằng chứng rất rõ ràng là cứ mỗi lần chuẩn bị chiến đấu, đối thủ của Kasuga lại biến đổi thành những nhân vật chẳng khác gì quái vật trong Dấu Ấn Rồng Thiêng.

Có lẽ cái sự “hâm hâm” này của nhân vật chính là thứ quan trọng nhất của những phiên bản Like A Dragon kể từ phần 7 đến giờ là phần 8. Giống hệt như nhiều game nhập vai JRPG, các nhân vật trong party anh em điều khiển sẽ có thể chọn nhiều “nghề nghiệp” khác nhau, đổi lại là những kỹ năng và tuyệt chiêu dùng trong những trận đấu.

Ở phần 7, màn gặp gỡ giữa Ichiban và những người bạn với hai nhân vật đã quá quen thuộc với các fan của Yakuza, Majima và Saejima là một thử thách không thể vượt qua nếu nhân vật của anh em level quá thấp. Ở phần 8, cũng sẽ có những khoảnh khắc như vậy. Rồi đến lúc đó, anh em sẽ lại cần phải đi cày cấp cho những nhân vật trong party, để đủ mạnh, quay lại với cốt truyện chính tuyến.




Những khoảnh khắc gọi là “difficulty spike” như vậy thực sự gây khó chịu. Nhưng ở một khía cạnh khác, chính nhờ những lúc mắc kẹt với một màn đấu trùm, Infinite Wealth lại khuyến khích anh em trải nghiệm những thứ khác mà các nhà làm game đã dày công phát triển. Những mini game và những nhiệm vụ phụ luôn luôn là khía cạnh khiến mọi người yêu mến series Yakuza, giờ đổi tên thành Like A Dragon, vừa trùng khớp với tên ở thị trường Nhật Bản, cùng lúc tránh xa khái niệm tội phạm có tổ chức ở Nhật Bản.

Từ việc đi hát karaoke, chơi điện tử xèng, gắp thú, chơi mạt chược, câu cá hay chơi phi tiêu, Infinite Wealth đều có đủ, giống như những phiên bản trước. Và thậm chí còn có cả những mini game mới, ví dụ như đóng vai shipper Grab Food đúng nghĩa đen, rồi lên app hẹn hò nhắn tin.

Nhưng nếu như mini game ấn tượng nhất phần 7 là đua xe và đóng vai chủ tịch tập đoàn bánh kẹo Ichiban, thì ở phần 8, các nhà làm game Nhật còn chơi lớn hơn, cho anh em hẳn một hòn đảo, tên là Dondoko Island, nơi anh em được giao nhiệm vụ lột xác hòn đảo du lịch này. Nếu anh em đã từng bỏ hàng giờ đồng hồ cho Animal Crossing: New Horizons, thì Dondoko Island giống hệt như vậy, cũng tiêu tốn thời gian, cũng rất vui, và chiều sâu của nó không hề giống những mini game khác một chút nào.

Chính bản thân hệ thống nhiệm vụ phụ cũng như những mini game trong Infinite Wealth đủ sức biến 50 giờ đồng hồ thưởng thức cốt truyện của trò chơi này biến thành con số cao gấp 3 lần nếu muốn khám phá mọi thứ mà các nhà làm game đã đưa vào tác phẩm.



Rồi khi quay lại với cốt truyện game và những màn chiến đấu theo lượt, anh em sẽ thấy hệ thống Drink Link và hệ thống Bond, mở rộng mối quan hệ giữa các nhân vật chính thực sự có giá trị, chứ không chỉ tồn tại để có những đoạn cắt cảnh nơi những bạn của Ichiban và Kiryu chia sẻ câu chuyện của họ.

Dù Ichiban Kasuga rất dễ mến, nhất là với thái độ tưng tửng và luôn luôn có xu hướng tích cực, nhưng mình luôn có cảm giác thanh niên này rốt cuộc cũng chưa vượt qua được cái bóng mà Kiryu đã tạo dựng được trong suốt chiều dài vài thập kỷ series game tồn tại. Chính cái việc Kiryu đến giờ vẫn phải xuất hiện trong game đã chứng minh cho điều đó. Thực sự với các fan của Yakuza hay Like A Dragon, không có nhân vật nào thay thế được cho Kiryu.



Để nói thực sự kỹ và sâu mọi khía cạnh của Infinite Wealth, có lẽ viết và nói cả ngày cũng không hết, vì đơn giản nó là một trò chơi có thể tiêu tốn của anh em hàng trăm giờ đồng hồ. Nó dễ tiếp cận mà không quá đơn giản, với cả chiều rộng lẫn chiều sâu giờ được cải thiện gấp nhiều lần so với những phiên bản trước. Từ Hawaii đến Ijincho, rồi cả khu phố đèn đỏ Kamurocho đều hiện diện. Đương nhiên nếu so sánh về chiều rộng, thì những bản đồ thế giới mở này hoàn toàn không so sánh được với những cái tên như GTA hay Assassin's Creed. Nhưng về chiều sâu, độ chi tiết, và mật độ những nhiệm vụ phụ và mini game tràn ngập trong game, thì Like A Dragon đã tạo dựng được cái chất rất riêng từ lâu.

Quan trọng nhất là, những nhiệm vụ phụ này hoàn toàn không tạo ra cảm giác cưỡng ép, anh em muốn trải nghiệm hay không, tùy vào sở thích.



Có lẽ, những nhân vật phản diện của phần này có sức hút không mấy ấn tượng, là để dành đất diễn cho những nhân vật chính và những người bạn, với một cốt truyện có phần hướng nội hơn, tập trung nhiều vào những giá trị tình bạn và gia đình. Nói như vậy không phải là để khỏa lấp những nhược điểm của game, nhất là ở cách khắc họa nhân vật phản diện. Mà nói vậy là để chứng minh, nếu muốn trải nghiệm một tác phẩm game với chiều sâu hệt như một series phim truyền hình lôi cuốn, thì Infinite Wealth vẫn hấp dẫn, vẫn đáng chơi, chỉ là chất lượng của nó chưa sánh được với ba phần game chính tuyến gần đây nhất, là 5, 6 và 7.