Digital Markets Act (DMA) hay Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số đã chính thức được Liên minh Châu Âu EU ban hành từ ngày 1 tháng 11 năm ngoái. DMA là một phần của luật chống độc quyền nhằm vào những gã khổng lồ công nghệ, với mục tiêu là tăng cường sự cạnh tranh trong lĩnh vực này bằng cách loại bỏ một số lợi thế do những công ty thống trị thị trường nắm giữ và giúp các công ty khởi nghiệp cạnh tranh dễ dàng hơn.



Hơi kỳ lạ là EU yêu cầu các công ty công nghệ phải tự xác nhận rằng họ đủ lớn để áp dụng luật. Những công ty này sẽ được gọi là các “Gatekeeper”, và Reuters báo cáo rằng Apple hiện đã làm như vậy (cùng với Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft). Điều này có nghĩa là Apple sẽ có thời hạn đến ngày 5 tháng 3 năm sau để tuân thủ DMA, và đạo luật này sẽ ảnh hưởng đến công ty theo 3 cách sau:
  • Apple phải cho phép các nhà phát triển sử dụng nền tảng thanh toán của bên thứ 3
  • Người dùng phải được tự do cài đặt app mà không cần phải thông qua App Store
  • iMessage phải có khả năng giao tiếp với các nền tảng nhắn tin khác

Tuy nhiên các điều khoản trong DMA không đảm bảo chắc chắn rằng cả 3 điều này sẽ được Apple thực hiện vào ngày 5 tháng 3 năm sau.

Khá chắc chắn là sẽ có tuỳ chọn nền tảng thanh toán bên thứ 3

 

Sở dĩ nói là khá chắc chắn vì trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở Hoa Kỳ, thông qua phán quyết trong vụ kiện giữa Apple và Epic Games (mặc dù Apple hiện đang kháng cáo điều này lên Toà án Tối cao Hoa Kỳ).

Tuy nhiên với cửa hàng app bên thứ 3 và khả năng tương tác của iMessage thì có thể sẽ phải mất thời gian lâu hơn để xuất hiện.

Không chắc chắn về cửa hàng app bên thứ 3?


EU có ý định buộc các công ty như Apple phải cho phép khách hàng tự chọn cách cài app, nghĩa là chủ sở hữu iPhone có thể tuỳ ý chọn sử dụng App Store chính chủ hay là không. Nhà phát triển cũng có thể chọn cách bán app trực tiếp cho khách hàng hay tạo ra một cửa hàng app bên thứ 3 của riêng mình để người tiêu dùng lựa chọn.



Tuy nhiên cách diễn đạt của DMA có chứa một điều khoản “rút lui tiềm năng”, và Apple có thể sẽ lợi dụng điều này để thách thức DMA trước toà.

“Để đảm bảo rằng các cửa hàng ứng dụng phần mềm hoặc ứng dụng phần mềm của bên thứ ba không gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn của phần cứng hoặc hệ điều hành do công ty gatekeeper cung cấp, công ty gatekeeper liên quan có thể thực hiện các biện pháp kỹ thuật hoặc hợp đồng tương xứng để đạt được mục tiêu đó nếu công ty gatekeeper chứng minh được rằng các biện pháp đó là cần thiết và hợp lý và không có phương thức nào ít hạn chế hơn để bảo vệ tính toàn vẹn của phần cứng hoặc hệ điều hành. Tính toàn vẹn của phần cứng hoặc hệ điều hành phải bao gồm bất kỳ tùy chọn thiết kế nào cần được triển khai và duy trì để phần cứng hoặc hệ điều hành được bảo vệ khỏi việc truy cập trái phép, bằng cách đảm bảo rằng các biện pháp kiểm soát bảo mật được chỉ định cho phần cứng hoặc hệ điều hành liên quan không thể bị thỏa hiệp. Hơn nữa, để đảm bảo rằng các ứng dụng phần mềm của bên thứ ba hoặc kho ứng dụng phần mềm không làm suy yếu khả năng bảo mật của người dùng cuối, công ty gatekeeper có thể thực hiện các biện pháp và cài đặt tương xứng và cần thiết nghiêm ngặt, ngoài cài đặt mặc định, cho phép người dùng cuối bảo vệ hiệu quả an ninh liên quan đến ứng dụng phần mềm của bên thứ ba hoặc cửa hàng ứng dụng phần mềm nếu công ty gatekeeper chứng minh được rằng các biện pháp và cài đặt đó là thực sự cần thiết và hợp lý và không có phương thức khác ít hạn chế hơn để đạt được mục tiêu đó. Công ty gatekeeper nên được ngăn chặn thực hiện các biện pháp như cài đặt mặc định hoặc cài đặt sẵn.”

Nghe có vẻ rắc rối và phức tạp tuy nhiên anh em có thể hiểu nôm na rằng Apple, với tư cách là công ty gatekeeper, cũng sẽ có trách nhiệm tham gia vào việc đảm bảo “tính toàn vẹn của phần cứng hoặc OS” cũng như khả năng bảo mật đối với người dùng cuối. Và điều này cũng có nghĩa là Apple có thể lập luận rằng việc buộc người dùng cũng như các nhà phát triển mua và bán app thông qua App Store là cách thực tế duy nhất để bảo vệ họ khỏi phần mềm độc hại và app lừa đảo.

iMessage cũng không chắc chắn?


Về nguyên tắc thì DMA nói rằng Apple (và các công ty có liên quan khác) phải cho phép khả năng tương tác của tin nhắn, hay nói cách khác là nếu bạn sử dụng iMessage và tôi sử dụng WhatsApp thì Apple phải cung cấp phương thức để chúng tôi trao đổi tin nhắn trong các app tương ứng của mình.
 
Mục đích thực sự của việc này không phải là để giúp đỡ những công ty công nghệ lớn như Meta mà là để cho phép các công ty dịch vụ tin nhắn khởi nghiệp giải quyết vấn đề lớn nhất phải đối mặt đó là “sẽ không có ai cài app nhắn tin cho đến khi có nhiều người sử dụng nó”.



Tuy nhiên từ ngữ của DMA ở đây không chặt chẽ. Về cơ bản nó nói rằng các công ty như Apple phải chia sẻ tài liệu thông số kỹ thuật của iMessage để tạo khả năng tương tác chéo, và sau đó EU sẽ phải quyết định xem các tài liệu này có tuân thủ luật hay không:

“Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực tế khả năng tương tác như vậy thì công ty gatekeeper có liên quan cần được yêu cầu xuất bản một bản đề nghị tham chiếu, đưa ra các chi tiết kỹ thuật, điều khoản và điều kiện chung về khả năng tương tác với các dịch vụ liên lạc giữa các cá nhân độc lập với số điện thoại tương ứng. Nếu có thể, Uỷ ban có thể tham khảo ý kiến của Cơ quan Quản lý Châu Âu về Truyền thông Điện tử để xác định xem liệu các chi tiết kỹ thuật cũng như các điều khoản và điều kiện chung được công bố trong bản đề nghị tham chiếu mà công ty gatekeeper dự định thực hiện hoặc đã thực hiện đảm bảo tuân thủ nghĩa vụ này.”

Ngoài ra cũng có một điều khoản đảm bảo bảo mật tương tự như với cửa hàng app bên thứ 3:

“Trong mọi trường hợp, công ty gatekeeper và nhà cung cấp phải đảm bảo rằng khả năng tương tác không làm suy yếu mức độ bảo mật và bảo vệ dữ liệu cấp độ cao.”

Phải rất lâu nữa các cửa hàng app bên thứ 3 mới xuất hiện?


Nếu phải dự đoán mọi thứ sẽ diễn ra, thì kịch bản có thể sẽ như thế này:
  1. Luật sẽ có hiệu lực
  2. Apple sẽ tuân thủ phần nền tảng thanh toán
  3. Apple có thể xuất bản một sách trắng được viết dày đặc về khả năng tương tác của iMessage, cố tình làm cho điều này trở nên hoàn toàn vô ích đối với bất kỳ công ty dịch vụ nhắn tin nào khác muốn tận dụng
  4. Apple ban đầu sẽ bỏ qua phần cửa hàng app bên thứ 3
  5. Khi bị thách thức thì công ty sẽ cố gắng sử dụng điều khoản đảm bảo bảo mật để phản biện
  6. EU sẽ đưa Apple ra toà
  7. Vụ án sẽ mất nhiều năm để đi đến kháng cáo cuối cùng

Vì vậy hạn chót 5 tháng 3 năm sau là một chuyện, còn có nhiều thay đổi như dự kiến hay không thì lại là câu chuyện khác.

Phương thức thanh toán bên thứ 3, cửa hàng app bên thứ 3 và khả năng tương tác của iMessage, anh em có mong đợi những điều này trên iOS trong tương lai không?