Cuộc chạy đua thống trị công nghệ của hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc chưa bao giờ bớt nóng. Và năm nay cuộc đua ấy còn lái sang cả một mảng mới, khi những thuật toán trí thông minh nhân tạo như ChatGPT đã biến AI trở thành cụm từ khóa nóng nhất 6 tháng đầu năm.

AI có rất nhiều giải pháp tiềm năng, từ chatbot phục vụ tạo nội dung cho đến những thuật toán phục vụ xe tự hành. Và cả hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh đều đang chạy đua để giành lợi thế trước đối thủ, tạo ra những công nghệ AI mạnh nhất. Tuy nhiên hiện giờ theo quan điểm của nhiều nhà phân tích và chuyên gia trong ngành, Trung Quốc thua rất xa những quốc gia phương Tây trong cuộc đua AI ở thời điểm hiện tại. Chỉ có một lợi thế duy nhất mà Bắc Kinh có được trước Washington, đó là chính phủ Trung Quốc đã kịp có những bước xác lập chế tài để quản lý công nghệ AI.

Ở một khía cạnh ngược lại, chính những động thái quản lý như vậy, đặc biệt là ở khía cạnh AI tạo nội dung, các tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang gặp vài rào cản trong quá trình phát triển thuật toán. Lấy ví dụ Douyin, phiên bản TikTok ở thị trường đại lục đã phải có quy định riêng, yêu cầu đánh dấu cụ thể những nội dung tạo ra bằng AI để không có nguy cơ đánh lừa người xem.

Ấy vậy nhưng, ở Mỹ, cũng có vài quan điểm cho rằng nếu chính phủ Mỹ đặt ra những tiêu chuẩn và chế tài quản lý AI, họ sẽ đánh rơi lợi thế trong nghiên cứu vào tay Trung Quốc.

Ngành AI của Trung Quốc đang ở đâu?

 

Các công ty công nghệ Trung Quốc đã đầu tư vào AI trong rất nhiều năm nay, từ việc đặt hàng nghìn camera giám sát ngoài phố cho đến hệ thống nhận diện gương mặt để… theo dõi việc tiết kiệm giấy trong những nhà vệ sinh công cộng. Nói đến công nghệ theo dõi và nhận diện, Trung Quốc hiện giờ số 2 thì không ai dám nhận số 1.

Nhưng ở những mảng nghiên cứu khác liên quan tới AI thì Trung Quốc lại đang bị bỏ lại khá xa. Một phần lý do đến từ chính việc quản lý thông tin và truyền thông cực kỳ chặt chẽ của chính phủ nước này. Hệ quả là các tập đoàn công nghệ Trung Quốc để tâm nhiều hơn tới việc nghiên cứu AI với khả năng thương mại hóa rõ ràng, thay vì những chatbot hay công cụ tạo hình ảnh từ thuật toán như ChatGPT hay Midjourney.
 
Còn nếu muốn sử dụng mô hình ngôn ngữ, hầu hết, Trung Quốc phải đi mua LLM do nước ngoài phát triển.

Jeff Ding, phó giáo sư ngành khoa học chính trị đại học George Washington, người tập trung nghiên cứu cuộc chạy đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc cho rằng: “Rất nhiều công ty Trung Quốc có khoản vốn đầu tư thấp, ít tự do hơn khi đầu tư nghiên cứu AI cơ bản. Vì thế phần lớn thời gian họ phải chạy theo xu hướng đã được các công ty Mỹ xác lập trước đó.”

Nếu Washington quản lý chặt AI, Trung Quốc liệu có lợi thế?


Trong một cuộc nghiên cứu gần đây, phó giáo sư Ding phát hiện ra hầu hết tất cả những mô hình ngôn ngữ quy mô lớn phát triển tại Trung Quốc đều lỗi thời hơn so với những LLM phát triển ở Mỹ khoảng 2 năm. Khoảng cách này rất khó để thu hẹp, ngay cả khi nước Mỹ có những động thái quản lý chặt mảng nghiên cứu AI.

Khoảng cách này cũng khiến Trung Quốc gặp khó trong việc thu hút nhân tài trên toàn thế giới. Ai cũng muốn làm việc ở những đơn vị vốn đã có nguồn vốn dồi dào, cũng như khả năng thử nghiệm tự do trong những mảng nghiên cứu machine learning mới.
 
Các chuyên gia cho rằng, khi các nhà lập pháp Mỹ tranh luận xem nên quản lý AI như thế nào để vừa ngăn chặn được nguy cơ tiềm ẩn, vừa không kìm hãm sự phát triển trong tương lai, họ sẽ có một lợi thế rõ ràng, khi trên bàn thảo luận, họ sẽ tìm ra được cách mà Trung Quốc không thể làm được.

Ấy là chưa kể, những quy định cấm vận chip bán dẫn mà Mỹ đang áp đặt lên các công ty Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành một rào cản không hề nhỏ trong nỗ lực chạy đua phát triển AI của nước này.

Cấm vận chip bán dẫn ảnh hưởng thế nào?


Kể từ cuối năm ngoái, chính quyền tổng thống Biden bắt đầu giới hạn việc bán chip bán dẫn cho Trung Quốc, bao gồm cả những sản phẩm, giải pháp, công nghệ và thiết bị do các công ty Mỹ tạo ra, và cả những sản phẩm do các tập đoàn nước ngoài tạo ra nhưng sử dụng công nghệ Mỹ. Phía Washington nói rằng, quyết định này được đưa ra với mục đích ngăn chặn công nghệ của Mỹ được dùng phục vụ mục đích quân sự của Trung Quốc, hoặc tìm được đường tới Nga.

Điều này, bên cạnh những ngành khác, đương nhiên tạo ra áp lực và khó khăn đối với các công ty công nghệ Trung Quốc. Họ gần như không thể chạm tay tới những chip xử lý mạnh nhất hành tinh hiện giờ, được tạo ra phục vụ 1 mục đích duy nhất, đó là xử lý những thuật toán AI quy mô khổng lồ. Phía Bắc Kinh thì gọi động thái cấm vận bán dẫn của Mỹ là “những hành vi lạm quyền với mục đích đảm bảo độc quyền công nghệ.”
 
Nghiên cứu gần đây cho thấy, trong số 20 LLM phổ biến nhất ở Trung Quốc, 17 thuật toán phụ thuộc hoàn toàn vào GPU của Nvidia, chỉ có 3 mô hình ngôn ngữ được huấn luyện và vận hành thông qua chip do Trung Quốc tự sản xuất.

Vậy là các công ty Trung Quốc cũng phải tự tìm đường để đảm bảo nguồn cung chip xử lý AI trên thị trường chợ đen. Ở đó, một card A100 mạnh nhất thế hệ Ampere cũ có giá gấp đôi giá chính hãng. Còn H100 thì không xuất khẩu sang Trung Quốc, Nvidia phải tạo ra một phiên bản thấp cấp hơn, gọi là H800 để phục vụ thị trường này.

Mục tiêu của Trung Quốc với AI là gì?


Bất chấp những chướng ngại kể trên, các công ty nghiên cứu AI của Trung Quốc vẫn tạo ra được không ít những tiến bộ đáng nể trong vài dạng công nghệ trí thông minh nhân tạo, bao gồm nhận diện gương mặt, nhận diện cử động, cũng như AI kết hợp với thực tế ảo.

Những công nghệ này thực tế đã góp sức để vận hành hệ thống theo dõi người dân khổng lồ bên Trung Quốc, và họ hoàn toàn không ngần ngại quảng bá công nghệ này sang các nước khác. Bằng chứng là những hợp đồng xây dựng thành phố thông minh ở Belgrade, Serbia hay Nairobi, Kenya.

Còn ở các nước phương Tây, áp lực từ các nhà lập pháp về cơ bản là thứ kìm hãm tốc độ phát triển những công nghệ AI phục vụ mục đích theo dõi con người. Thay vào đó, các công ty Mỹ hay Anh Quốc thì tập trung tạo ra những chatbot phục vụ nhu cầu giải trí hoặc sáng tạo, rồi đem chúng tới cộng đồng người dùng cá nhân.

Trung Quốc tính quản lý AI ra sao?


Như đã nói, vài người quan sát và nhà nghiên cứu cho rằng, cách tiếp cận vấn đề quản lý AI của Bắc Kinh có thể sẽ giới hạn khả năng phát triển và sáng tạo của các tập đoàn và đơn vị nghiên cứu.

Nhưng ở khía cạnh mà Mỹ vẫn còn đang loay hoay tìm cách quản lý, tất cả những công ty phát triển AI tại Trung Quốc đều phải tuân thủ những quy định về quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định về thuật toán hiển thị nội dung, đặc biệt là những nội dung do máy móc tạo ra. Hồi tháng 4, các nhà quản lý Trung Quốc đưa ra một dự thảo quy định đối với AI tạo nội dung, công nghệ cho phép tạo ra những giải pháp như Stable Diffusion hay ChatGPT.
 
Đương nhiên mọi AI tạo ra ở Trung Quốc đều phải tuân thủ những yêu cầu của Bắc Kinh. Hệ quả là những bộ lọc xáo bỏ những nội dung được coi là vi phạm. Điều này rõ ràng vẫn tạo ra một giới hạn đối với khả năng sáng tạo của ngành phát triển AI tại Trung Quốc.

Chính những giới hạn này là thứ khiến Trung Quốc hiện giờ vẫn chưa hề có bất kỳ mô hình ngôn ngữ quy mô lớn nào thử nghiệm công khai, vì không một ai muốn người dùng tạo ra những thứ nội dung trái ý chính phủ Trung Quốc cả.

Mỹ có học được kinh nghiệm gì không?


Nhược điểm của việc quản lý chặt AI là kìm hãm khả năng sáng tạo, nhưng vẫn có vài yếu tố mang tính nguyên tắc mà Washington hoàn toàn có thể học được và chỉnh lại để không kiểm soát quá chặt chẽ, lại vừa giải quyết được những lo ngại xoay quanh tác động tiêu cực mà AI có thể gây ra với cộng đồng: Bảo vệ thông tin cá nhân của con người, đánh dấu nội dung AI tạo ra, và cảnh báo cho các chính phủ và nhà quản lý nếu AI có khả năng nguy hiểm.

Johanna Costigan, nhà nghiên cứu tại viện chính sách xã hội châu Á cho rằng, nếu Mỹ có quy định quản lý AI, chắc chắn nó sẽ không thể mạnh tay và cứng rắn như những gì Trung Quốc đã xác lập, nhưng vẫn đủ sức tuân thủ luật pháp hiện hành, ngăn chặn phân biệt do thuật toán học những gì con người nói và làm, và bảo vệ quyền của mọi người: “Luôn có thể tạo ra những quy định để nó song hành với sự sáng tạo.”

Theo The Washington Post