Hai ngày qua, đã bắt đầu có những thông tin không chính thức, nói rằng ngân hàng đầu tư khổng lồ Goldman Sachs đang muốn chấm dứt thoả thuận làm đơn vị quản lý mảng tài chính cho những dịch vụ fintech mà Apple đang triển khai. Một trong số đó là chiếc thẻ tín dụng Apple Card, và thứ hai là dịch vụ tiết kiệm lãi suất 4.15% mang tên Apple Savings Account.

Theo nguồn tin của The Wall Street Journal, Goldman Sachs đang đàm phán với Apple để được rút khỏi trách nhiệm làm đơn vị quản lý tài chính cũng như tín dụng tiêu dùng chống lưng cho Apple Card hay Apple Savings Account, trao lại trách nhiệm này cho một đơn vị khác, American Express.

Rõ ràng đây là kết quả của việc hai đơn vị với mục tiêu hoàn toàn khác biệt kết hợp lại để vận hành một dịch vụ tài chính tiêu dùng. Nói một cách ngắn gọn, Apple không sợ lỗ, chỉ cần có thêm người dùng, còn Goldman Sachs thì khác, họ là ngân hàng, mà ngân hàng thì phải làm ra tiền.

Lịch sử mối lương duyên Apple Card và Goldman Sachs

 

Những thông tin đầu tiên nhắc đến sự hợp tác giữa Apple và Goldman Sachs đã xuất hiện từ tháng 2/2019 trên The Wall Street Journal. Một tháng sau, ở sự kiện giới thiệu những dịch vụ mới, Apple công bố Apple Card bên cạnh một loạt những dịch vụ mới cho người dùng các thiết bị của hãng, bao gồm Apple TV+, Apple Arcade, Apple News+,…

Tháng 8/2019, Apple Card ra mắt chính thức, cho phép người dùng iPhone đăng ký lấy chiếc thẻ tín dụng làm bằng chất liệu titanium, kiểm tra cả hạn mức tín dụng lẫn tình trạng xét duyệt mà không phải qua những bước phức tạp như các bên khác.
Vài tháng sau đó, những thông tin liên quan tới quá trình đầu tư của Goldman Sachs vào dịch vụ fintech của Apple bắt đầu được hé lộ. Xét trên mọi thước đo, Apple Card có màn ra mắt cực kỳ thành công. CEO Tim Cook hồi tháng 10 khi công bố báo cáo tài chính quý III năm 2019 nói rằng Apple Card là “chiếc thẻ tín dụng có màn ra mắt thành công nhất lịch sử nước Mỹ.”

Cũng trong lần công bố báo cáo tài chính này, Tim Cook cũng hé lộ việc người sở hữu thẻ Apple Card sẽ có thể mua trả góp iPhone trong 24 tháng lãi suất 0%. Và ai là đơn vị phải giải quyết tất cả những khoản vay tiêu dùng hay trả góp ấy? Goldman Sachs chứ ai.

Cáo buộc thiên lệch giới tính trong việc xét duyệt


Niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 11/2019, đã bắt đầu có những tranh cãi xoay quanh Apple Card khi những cáo buộc cho rằng Apple và Goldman Sachs có những thiên lệch giới tính trong việc xét duyệt cấp thẻ và cấp hạn mức thẻ. Người dùng Apple Card cho rằng, sự phân biệt giới tính đã tạo ra hạn mức thẻ tín dụng khác nhau cho những người sở hữu thẻ khác nhau.

Cũng chính những tranh cãi này đã dẫn đến vài cuộc điều tra của các nhà quản lý ở Mỹ. Trong khoảng thời gian ấy, Apple hoàn toàn im lặng, còn Goldman Sachs thì phải đưa ra nhiều tuyên bố chính thức, giải thích liên tục rằng ngân hàng luôn cố gắng đảm bảo quá trình xét duyệt thẻ và hạn mức thẻ công bằng nhất.

COVID-19

 

Sang đến năm 2020, Apple và Goldman Sachs mở rộng dịch vụ trả góp 0% từ chỉ cho chủ thẻ Apple Card mua iPhone, sang cho phép họ mua Mac, iPad, AirPods Pro, AirPods, Apple Pencil, v.v… Xuyên suốt thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, Goldman Sachs cho phép người dùng thẻ Apple Card trả chậm những khoản trả góp, không có tiền phạt hay lãi. Chương trình này được họ gọi là Customer Assistance Program.



Đến năm 2021, Apple Card nhận được “nâng cấp” đáng kể. Thông qua iCloud Family Sharing, những thành viên trong cùng một gia đình sẽ có thể dùng chung một chiếc thẻ Apple Card. Cũng trong năm này, Apple liên tục đề cập đến thành công của chiếc thẻ tín dụng này, viện dẫn kết luận của nghiên cứu từ JD Power, nói rằng Apple Card xếp hạng rất cao trong số những dịch vụ thẻ tín dụng phân khúc trung bình, điểm số đánh giá cao ngất ngưởng.

Những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ Goldman hụt hơi


Khi Apple Card đạt ngưỡng hơn 6 triệu người dùng, những vết rạn nứt đầu tiên của mối quan hệ giữa Apple và Goldman Sachs cũng dần được hé lộ. Tháng 5/2022, Scott Young, vị giám đốc mảng quan hệ đối tác của Goldman Sachs từ năm 2018, người có công ký kết thoả thuận hợp tác giữa Apple và Goldman tuyên bố từ nhiệm.

Kế đến, Goldman Sachs công bố việc họ đang phải đối mặt với một cuộc điều tra từ cơ quan bảo vệ tài chính tiêu dùng Hoa Kỳ, liên quan tới mảng thẻ tín dụng của họ. Tốc độ phát triển quá lớn của Apple Card, kết hợp với sự lúng túng trong việc mở rộng kinh doanh mảng tiêu dùng của Goldman là một yếu tố dẫn đến cuộc điều tra này.

Một yếu tố mà cuộc điều tra của cơ quan quản lý Mỹ tập trung vào là cách Goldman Sachs giải quyết những khiếu nại xoay quanh chiếc thẻ Apple Card.
 


Goldman Sachs cho biết, số lượng khiếu nại đòi chargeback từ người dùng Apple Card cao hơn rất nhiều so với ước tính của họ. Hệ quả là ngân hàng đầu tư này lúng túng trong việc xử lý những khiếu nại ở quy mô số lượng lớn, đặc biệt là khi những quy định và yêu cầu của các nhà quản lý xoay quanh khiếu nại tín dụng là vô cùng phưc tạp.

Tháng 10/2019, bất chấp việc khó khăn bắt đầu bủa vây, CEO Goldman Sachs David Solomon vẫn tuyên bố kéo dài thoả thuận hợp tác với Apple tới năm 2029.

Rồi đến tháng 1/2022, báo cáo tài chính của Goldman Sachs buộc phải đề cập tới việc họ đã thua lỗ hơn 1 tỷ USD khi vận hành dịch vụ thẻ cho Apple kể từ năm 2020. Khoản lỗ này không phải trực tiếp, nhưng yêu cầu của cơ quan quản lý Mỹ cho biết Goldman phải có một khoản tiền riêng để bù vào những trường hợp nợ xấu của người tiêu dùng.

Và gần đây nhất, tháng 4 vừa qua, Goldman Sachs tiếp tục mở rộng hợp tác với Apple thông qua dịch vụ tiết kiệm Savings Account với lãi suất rất cao.

Goldman Sachs vỡ cơn mộng đánh chiếm mảng tiêu dùng


Tất cả những liệt kê trên đây đưa chúng ta về thời điểm hiện tại, với tin đồn Goldman Sachs muốn chuyển hết những khía cạnh liên quan tới tài chính của Apple Card hay Savings Account cho American Express.

Như đã nói ở đầu bài viết, mục tiêu của Goldman Sachs ban đầu cũng không khác nhiều so với Apple. Họ muốn mượn hệ sinh thái hàng tỷ người dùng thiết bị của Apple, đặc biệt là iPhone để tiếp cận thị trường tài chính tiêu dùng mà họ cho là béo bở, với sức mua rất mạnh. Nhưng đến giờ thì Goldman Sachs đã nhận ra kinh doanh dịch vụ tài chính tiêu dùng rất nhiều rủi ro.

Bên cạnh việc tìm cách chuyển thoả thuận với Apple sang cho American Express, Goldman Sachs có một thẻ tín dụng tiêu dùng khác, hợp tác với tập đoàn xe hơi General Motors, và họ cũng muốn chuyển luôn dịch vụ ấy sang cho American Express. Cùng lúc, ứng dụng fintech của riêng họ mang tên Marcus cũng phải thu nhỏ đáng kể về quy mô vận hành.



Hồi năm 2019, trước khi Apple Card chính thức ra mắt, giám đốc mảng tài chính điện tử tiêu dùng của Goldman Sachs, Omer Ismail nói ngân hàng không quan tâm đến lời lãi khi vận hành khía cạnh tài chính của Apple Card: “Khi nghĩ đến ứng dụng Marcus, ý tưởng tạo ra lợi ích cho khách hàng đồng nghĩa với việc kiếm lời ít hơn hoàn toàn không phải thứ chúng tôi nghĩ đến. Nếu bạn phục vụ tốt khách hàng, bạn sẽ có được sự trung thành của họ.”

Cùng lúc, một tin đồn khó tin vừa được đưa ra: Apple đang cố gắng đẩy mạnh việc tự xử lý khía cạnh tài chính của các dịch vụ fintech họ vận hành, từ việc tự xét duyệt khoản vay, phân tích lừa đảo hay kiểm tra điểm tín dụng. Nguồn tin không chính thức nói những nỗ lực này được gọi bằng cái tên “Project Breakout.” Nhưng nếu làm như vậy, Apple sẽ không còn là một tập đoàn công nghệ nữa. Họ sẽ là một ngân hàng đúng nghĩa đen.
 
Rất dễ nhận ra mục tiêu của Apple khác Goldman Sachs tạo ra tác động như thế nào. Cùng là câu chuyện Apple Card đạt lượng người dùng kỷ lục, được xếp hạng cao trong những phân tích tài chính tiêu dùng, đối với Apple đó là thành công, còn với Goldman Sachs thì lại là thất bại.

Thứ nhất, mục tiêu của Goldman Sachs ở tầm ngắn hạn có thể phù hợp với tầm nhìn của Apple, đó là lôi kéo một thị trường người dùng thiết bị Apple lên đến 2 tỷ người trên toàn thế giới. Làm gì có ai lại nói không với một thị trường mà cứ 4 người trên trái đất lại có 1 khách hàng tiềm năng? Nhưng dần dần, mục tiêu của Goldman Sachs, như mọi ngân hàng đầu tư khác vẫn phải là kiếm tiền.


Thứ hai, Apple sở hữu nhiều mảng kinh doanh khác, với những cỗ máy in tiền như iPhone hay MacBook. Goldman Sachs thì lại muốn thâm nhập vào thế giới tài chính tiêu dùng, kiếm lời từ đối tượng trung lưu vừa đông vừa có sức mua mạnh. Xét đến khía cạnh kinh doanh, Apple Card lỗ thì Goldman Sachs phải chịu thiệt về mặt tài chính, lời ăn lỗ chịu, thậm chí đi đòi nợ hoặc áp hạn mức cũng là họ làm hết. Còn danh tiếng của một dịch vụ thẻ “không phí, không phạt” thì Apple gần như được hưởng hết.

Tổng hợp theo 9to5MacCNBC