Hiện giờ ở Trung Quốc, cạnh tranh kiếm việc làm đang diễn ra cực kỳ gay gắt. Một ví dụ là một người xin giấu tên, tạm gọi là David. Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành quản trị doanh nghiệp, David cũng không kiếm được việc làm, vì có quá nhiều CV cùng chuyên ngành đang cạnh tranh. Anh này nói rằng, “kể cả kiếm được việc thì lương cũng không được như mấy năm trước, và khối lượng công việc cũng rất lớn.”

Rồi sau đó, David xem được một vài đoạn video trên mạng xã hội Weibo và WeChat về ChatGPT, chatbot tạo nội dung từ thuật toán AI đã tạo ra cơn sốt kể từ cuối năm ngoái. Anh liền nảy ra một ý tưởng. Luôn có một thị trường đặt hàng viết luận văn thuê, với nhu cầu rất lớn ở Trung Quốc, hay những học sinh và sinh viên nhờ tới sự trợ giúp của chuyên gia và gia sư để làm bài tập. Có những người làm trung gian, nói theo cách dân dã hơn là cò, kết nối những chuyên gia và người có kiến thức với học sinh sinh viên thông qua Taobao, đem dịch vụ làm bài tập hoặc viết luận thuê tới khách hàng để kiếm 1 khoản hoa hồng.



David đặt ra ý tưởng, nếu dùng ChatGPT viết luận văn thì sẽ như thế nào? Anh này tiếp cận một cò dịch vụ giáo dục trên Taobao, và nhanh chóng kiếm được việc, viết luận án cho một sinh viên học ngành giáo dục. Nhưng anh này không hề nói với ai rằng tác phẩm kia được chatbot AI viết ra.

David chia sẻ: “Đầu tiên bạn sẽ hỏi ChatGPT tạo ra một dàn ý với vài gạch đầu dòng chính, rồi tiếp đến là dùng ChatGPT viết nội dung cụ thể chi tiết cho từng gạch đầu dòng ấy.”
 


Để tránh đạo văn hoặc bị phát hiện đạo văn, anh này tránh việc nhập những dữ liệu từ các bài viết hoặc luận án đã có sẵn, mà thay vào đó là đặt ra những câu hỏi mở. Những câu văn được nhập lại vào ChatGPT để yêu cầu chatbot mô tả kỹ hơn hoặc đưa ra ví dụ minh chứng. Bước cuối là đọc toàn bộ bài luận và sửa lỗi ngữ pháp nếu có. Kết quả không ưng ý cho lắm, vì giữa những đoạn văn có vài lỗ hổng suy luận, nhưng đủ để sinh viên kia nộp bài qua môn. Sau khi trả bài cho khách hàng, David kiếm về số tiền khoảng 10 USD.

Công việc thứ hai David nhận được, là viết một luận án kinh tế. Anh nhìn lướt qua yêu cầu, chọn lấy vài cụm từ khóa quan trọng như “dichotomy”, rồi yêu cầu ChatGPT giải nghĩa theo cách dễ hiểu kèm theo ví dụ. Lần này, David kiếm về cỡ 40 USD.



Về mặt chính danh thì ChatGPT không vận hành ở thị trường Trung Quốc. Những tài khoản thư điện tử của các dịch vụ như QQ hay 163 không thể dùng đăng ký dịch vụ chatbot AI này được. Đương nhiên điều đó không hề khiến sự quan tâm của người Trung Quốc đối với tiềm năng của chatbot AI giảm sút. Trên dịch vụ học trực tuyến Youdao do NetEase vận hành, có cả một khóa học mang tên “ChatGPT, từ nhập môn đến sử dụng hiệu quả,” với lời hứa "cải thiện năng suất lao động gấp 10 lần với sự trợ giúp của ChatGPT và Python.

Dịch vụ hỏi đáp giống hệt Quora nhưng mà phiên bản Trung Quốc, Zhihu, có người còn hỏi “làm thế nào kiếm bộn tiền nhờ ChatGPT”, “làm thế nào kiếm 1 nghìn Tệ bằng ChatGPT”, “người bình thường kiếm tiền bằng ChatGPT như thế nào?”

Yin Yin, một cô gái trẻ làm trợ lý cho vài KOL làm nội dung cho một vài mạng xã hội bên Trung Quốc cũng biết đến ChatGPT sau khi xem một đoạn clip trên YouTube. Tháng 4, cô tìm thấy trên Taobao một cửa hàng bán đồ trang trí nội thất, làm thủ công bằng kỹ thuật nhuộm vải của các nghệ nhân ở tỉnh Vân Nam. Yin Yin liên hệ với chủ cửa hàng, đề nghị giúp anh này cải thiện bố cục trang web của hàng và làm vài bước quảng bá cửa hàng trên mạng xã hội.

Mô tả hàng hóa trên cửa hàng này vừa sơ sài lại vừa thiếu thông tin. Yin Yin bèn tìm kiếm những món đồ nội thất bán chạy nhất trên Taobao, cóp nhặt mô tả hàng hóa, rồi đưa vào ChatGPT làm mẫu, viết những nội dung mới mô tả hàng hóa. Để nội dung hấp dẫn hơn, cô nhờ ChatGPT tạo ra những câu chữ nhấn đúng vào những chi tiết món hàng, rồi thêm vài emoji cho bắt kịp với giới trẻ. Chỉ bằng công việc đó, Yin Yin giờ được chủ cửa hàng Taobao nọ trả tiền hàng tháng.
 


Cũng có những người khác dùng chatbot AI kiếm tiền, nhưng không chỉ đơn thuần viết luận văn thuê và viết mô tả hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Một người dùng trên nền tảng MXH lối sống và thời trang Xiaohongshu tên Shirley thì xuất bản được cả một cuốn sách viết bằng AI. Đầu tiên cô xác định chủ đề cuốn sách: Mối tương quan giữa nhóm máu và tính cách, một thứ nghiên cứu không dựa vào khoa học nhưng lại rất phổ biến ở các nước Đông Á.

Rồi sau đó, cô nhờ ChatGPT “tạo ra dàn ý cho một cuốn sách về góc nhìn của người Nhật về mối tương quan giữa nhóm máu và tính cách,” rồi dùng những dàn ý này viết kỹ từng chương một, từng đoạn văn và từng ý của mỗi chương. Cô này cho biết: “Nếu không thích những gì ChatGPT viết ra, bạn luôn có thể nhờ công cụ này viết lại, ví dụ viết lại một đoạn văn theo hướng nhẹ nhàng vui tươi hơn.”

Chỉ sau hai ngày, cuốn sách đã hoàn thành. Bìa sách được tạo ra từ một công cụ AI khác, Midjourney, rồi được Shirley rao bán trên chợ sách điện tử Kindle.



Những cây viết chuyển qua dùng AI viết cho nhanh hoàn toàn không phải điều lạ lùng. Thị trường sách trực tuyến Trung Quốc được ước tính có giá trị 4 tỷ USD, với hàng triệu đầu sách xuất bản mỗi năm, đủ mọi chủ đề, từ tiểu thuyết ngôn tình, khoa học viễn tưởng cho đến cả sách học làm giàu. Trên mạng xã hội bên Trung Quốc, có rất nhiều tài khoản bán sách viết bằng ChatGPT. Những đánh giá của người đọc đều nói rằng, vài tựa sách viết bằng AI đều có cốt truyện rời rạc, với những bước ngoặt cốt truyện khá ngẫu nhiên.

Dù ChatGPT mới ra mắt được có hơn nửa năm, nhưng bên Trung Quốc, chatbot AI này đã kịp tạo ra cả một hệ sinh thái KOL. Một ví dụ là Yizhou Li, với chuỗi 18 video hướng dẫn cách dùng AI trên tài khoản mạng xã hội Douyin. Anh này có 2,3 triệu người theo dõi, và những đoạn clip do anh này làm đã có tổng hơn 10 triệu lượt xem.


Những công ty lớn cũng bắt đầu thuê nhân viên làm việc với ChatGPT. Ví dụ như Banggood, một đơn vị thương mại điện tử đa quốc gia đang thuê một “chuyên viên huấn luyện ứng dụng ChatGPT” để tối ưu và cải thiện hiệu năng của chatbot, phục vụ mục đích bán hàng, tạo nội dung và quảng cáo. Những “chuyên viên” này nhận lương lên tới hơn 5.600 USD một tháng. Giữa tình hình thị trường việc làm bên Trung Quốc đang ảm đạm, mức lương này là rất cao. Theo Jiemian News, con số kể trên không phải là cá biệt, mà công ty nào cũng đang tuyển nhân viên vị trí này với mức lương tương đương.



Và rõ ràng, khi tự thân làm giàu không đủ nhanh, thì đi dạy người khác cách làm giàu cũng là một phương pháp kiếm tiền đã được rất nhiều người áp dụng. Một KOL, Yang Yi, người tự xưng là cựu giám đốc ở một công ty công nghệ đã tạo ra một “câu lạc bộ” trên nền tảng Zhishi Xingqiu, với lời hứa dạy mọi người dùng AI để làm giàu. Câu lạc bộ này giờ có khoảng 20 nghìn thành viên, mỗi người đóng cỡ hơn 50 USD để học cách sử dụng ChatGPT.

Có vẻ như, với nhiều người Trung Quốc, hoặc đi dạy người khác, hoặc kiếm việc làm sẽ là ý tưởng hay hơn, vì bây giờ dù có quá nhiều “nhà khởi nghiệp” dựa trên sức hút của ChatGPT, kiếm tiền và dư dả từ công cụ chatbot này không phải chuyện dễ. Cuốn sách của Shirley chẳng bán được mấy. Mà thật ra sách do AI viết cũng chẳng mấy ai mua. David thì phát hiện ra những cò mồi trung gian bán luận án thì muốn làm việc với những người nói tiếng Anh ở tầm bản xứ hoặc những chuyên gia thực sự trong các chuyên ngành.

Hồi tháng 5, Vince Liang, một giám đốc có tiếng trong ngành công nghệ Trung Quốc tuyên bố thử thách kiếm 1 triệu Tệ (hơn 140 nghìn USD) bằng ChatGPT. Trước đó Liang đã trở nên nổi tiếng nhờ việc bán những khóa học làm nội dung TikTok. Nhưng sau 10 ngày, Liang chỉ kiếm được vài nghìn Tệ từ ChatGPT, và nói rằng thử thách này khó hơn nhiều so với tưởng tượng. Một ý tưởng được Liang triển khai là dùng ChatGPT đặt tên cho trẻ sơ sinh và các công ty. Một ý tưởng khác là lấy ChatGPT phân tích con số để dự đoán kết quả xổ số hàng ngày, nhưng đến giờ vẫn chưa thành công.

 
Theo Wired